Võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan có màn trở lại ngoạn mục ở ASIAD 19 khi đánh bại hàng loạt đối thủ mạnh để giành HCB môn karate,ễnThịNgoanvượtquanỗiđautrởlạingoạnmụcởset viet nam nội dung kumite 61 kg nữ. Cô đã thắng lần lượt Jesus Marta do Carmo (vòng 1/8), Atousa Golshanezhad (tứ kết) và Assel Kanay (bán kết) để lọt vào trận chung kết Á vận hội đầu tiên trong sự nghiệp, trước khi dừng bước ở ngưỡng cửa "vàng" trước võ sĩ Gong Li.
Xuyên suốt các trận đối kháng, Nguyễn Thị Ngoan cho thấy bản lĩnh và tinh thần thép để vượt qua khó khăn. Khả năng phòng thủ, phán đoán tốt và chọn thời điểm ra đòn phù hợp giúp võ sĩ Việt Nam có tới 2 lần ippon đối thủ ở các trận vòng 1/8 và bán kết.
Trong trận đấu khó nhằn nhất, phải chờ đến tính điểm từ trọng tài phụ để có chiến thắng (ở tứ kết), Nguyễn Thị Ngoan chơi không quá ấn tượng, nhưng khác biệt của một VĐV đẳng cấp nằm ở chỗ, ngay ở thời điểm khó khăn, võ sĩ Việt Nam vẫn làm chủ tình thế.
Karate mang về huy chương vàng thứ 3 cho Việt Nam tại ASIAD 19
Còn ở trận bán kết, sau khi dẫn đối thủ Assel đến 45 giây cuối, Nguyễn Thị Ngoan đã "gồng mình" chống đỡ nhưng pha ra đòn dồn dập của võ sĩ Kazakhstan. Không chỉ phòng thủ tốt, Nguyễn Thị Ngoan còn giữ vững trụ chân, di chuyển linh hoạt và hai lần phản đòn thành công để bảo vệ cách biệt điểm số.
Ở trận chung kết, đối thủ của Nguyễn Thị Ngoan là VĐV Gong Li - người được mệnh danh là "tiên nữ" karate Trung Quốc. Gong Li không chỉ có bản thành tích ấn tượng khi giành HCĐ Olympic Tokyo 2020, mà còn có kỹ thuật cũng như khả năng công thủ toàn diện. Dù để thua 0-9 khi để đối thủ tung 2 đòn ippon trúng người, nhưng Nguyễn Thị Ngoan đã nỗ lực, qua đó giành HCB.
Võ sĩ Hà Nội đã đứng dậy từ chính sân chơi ASIAD cô vấp ngã 5 năm trước. Càng ngoạn mục hơn, khi cô phải vượt qua chặng đường rất khó khăn để có mặt ở đây, chiến đấu ngoan cường và mang về niềm tự hào cho karate Việt Nam.
Ngay từ ban đầu, VĐV Nguyễn Thị Ngoan đã được đánh giá là niềm hy vọng hàng đầu của karate Việt Nam. Cô gái sinh năm 1998 nổi danh rất sớm trong làng võ châu lục khi giành HCV thế giới ở tuổi 19, sau khi thắng một loạt hảo thủ của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Mỹ, Pháp ở vòng loại, rồi đánh bại đương kim vô địch thế giới người Áo ở bán kết và thắng nốt võ sĩ Canada ở chung kết.
Dù không thi đấu thành công ở ASIAD 18 khi chỉ giành hạng tư chung cuộc ở hạng cân 68 kg, nhưng không thể phủ nhận bước tiến vượt bậc của Nguyễn Thị Ngoan.
Tuy nhiên, đà thăng tiến của Nguyễn Thị Ngoan bị chặn lại, với khoảng thời gian dài biến mất khỏi đội tuyển. Lý do là sau ASIAD 18, Nguyễn Thị Ngoan có những bất ổn trong sinh hoạt, tập luyện. Bác sĩ chẩn đoán "cô gái vàng" của karate Việt Nam gặp vấn đề tâm lý, khuyến cáo cô cần ngừng tập luyện đỉnh cao, rời đội tuyển để tập trung chữa trị.
Vấn đề tâm lý của Nguyễn Thị Ngoan thời điểm ấy được nhận định là do áp lực thi đấu, sức ép kỳ vọng quá lớn, đè nặng lên đôi vai của cô gái mới 20 tuổi. Thi đấu hàng chục giải quốc tế lớn nhỏ, nhiều lần xuất ngoại thi đấu một mình, Nguyễn Thị Ngoan thầm lặng chịu đựng áp lực, với những tổn thương tâm lý chẳng ai hay.
Nhưng rồi với bản tính của "con nhà võ", Nguyễn Thị Ngoan đã không chịu khuất phục trước khó khăn. Cô gái Hà Nội trở lại đội tuyển sau 3 năm, trở lại với đam mê và sẵn sàng một lần nữa đương đầu với áp lực, bởi karate đã ngấm vào "máu". Đó là tình yêu mà Nguyễn Thị Ngoan chấp nhận vượt mọi khó khăn để bảo vệ đến cùng.
Nguyễn Thị Ngoan tái xuất ngoạn mục khi giành HCV SEA Games 31, HCĐ SEA Games 32 nội dung kumite cá nhân, cùng với việc góp công trong 2 tấm HCV kumite đồng đội.
Để hướng tới ASIAD 19, tổ kumite (nội dung đối kháng) của đội tuyển karate Việt Nam với các VĐV chủ lực Đinh Thị Hương, Hoàng Thị Mỹ Tâm và Nguyễn Thị Ngoan đã có 25 ngày tập huấn tại Nhật Bản.
Bên cạnh được huấn luyện ở trình độ chuyên môn cao, với sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài, các võ sĩ Việt Nam còn có cơ hội giao hữu với những võ sĩ karate hàng đầu Nhật Bản. Đây là bước đệm chuẩn bị quan trọng cả về thể chất, kỹ thuật lẫn tâm lý - yếu tố quan trọng để giành chiến thắng trong các trận đấu đối kháng.
Để rồi, cô gái yêu lịch sử và nuôi ước mơ học đại học để "trở thành VĐV trí thức, sau này nếu được làm HLV sẽ truyền lại đam mê và nhiệt huyết cho các em" đã không khiến người hâm mộ phải thất vọng.